Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Hưu nhàn, hưu bấn

Xóm lá Tri ân bỗng xôn xao
Luận bàn nhàn, bấn thấy rào rào
Lơ ngơ có kẻ đang ngoài cổng
Tấp tểnh sân trong sửa bước vào
Rối rít, rầu rầu rồi cũng tới
Hưu nhàn, hưu bấn có làm sao!
Thong dong bút, sách cùng thơ phú
Sáng tối Tri ân luôn đón chào

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Lại một 20/11!



Cả ngày hôm nay, nó được lũ học trò ranh ma cho đi tàu suốt. Cứ định viết lên bảng là chúng nó lại la lên: "Cô ơi, để em hát tặng cô". Vậy là cô đành đầu hàng với cả một rừng Fan cuồng nhiệt gần 100 đứa rất tốt giọng. 
Bài hát nó được nghe nhiều nhất là :"  Ngày đầu tiên đi học". Thế là cả ngày nó tự nhiên cũng luôn nghêu ngao:" em bây giờ khôn lớn, vẫn nhớ về ngày xưa, ngày đầu tiên đi học...". Và thật tự nhiên, câu hỏi bật ra: ngày đầu tiên đi dạy của mình thế nào nhỉ?
Hồi còn bé tí, dù trong những giấc mơ ngổ ngáo và hùng hồn nhất cũng chưa bao giờ nó nghĩ mình cả gan dám làm cô giáo. Trong đầu nó luôn là hình ảnh các cô giáo hiền dịu, thướt tha và thật đẹp. Ai lại như nó bao giờ, có năng khiếu bẩm sinh là hậu đậu và tồ. Các chị toàn gọi nó là " Ngỗng". Càng lớn nó càng nhận ra, nó đúng là Ngỗng có đẳng cấp. Và về già thì lại chuyển thành Vịt già. Sự thuyên chuyển nòi giống có lẽ sẽ để mở một chương khác, chương này nói về sự đi dạy của Ngỗng đã.
Học xong ĐH Tổng hợp Văn, nó hung hăng đòi làm báo cơ. Rồi chẳng được nơi nào nhận. Có lẽ họ đã sớm nhận ra khả năng làm hỏng máy quay của Ngỗng thực thụ nên từ chối. May mà họ thương chứ nếu làm báo thật không biết nó lấy tiền ở đâu ra mà đền máy móc hư hỏng do sự khéo léo trời sinh của Ngỗng.
Đánh vật hai tháng, nó bưng lên cho Thầy hướng dẫn giáo án bài giảng 15 tiết mà dày 100 trang viết tay. Mỗi mục La Mã cách nhau nửa vòng trái đất. Ông giáo già phì cười và gõ lên đầu nó cái "  cóc". Đau thì ít mà tức thì nhiều. Nó không hiểu vì sao bị cốc. Hóa ra là nó soạn tầm cỡ giáo trình chứ không phải giáo án!
Của đáng tội, nó có được học soạn giáo án đâu. Thế là ông giáo lại bỏ ra cả tháng để bày nó soạn bài. Toét cả mắt mới hòm hòm ra hình thù một bài giảng. Đến cái đoạn tập viết bảng. Ngày đi học, dù chữ xấu nhất nhà nhưng trong lớp, nó vẫn thuộc tốp chữ đi viết báo tường. Ấy vậy mà khi viết bảng thì...giời ạ, giờ nghĩ lại vẫn còn kinh. Lại thêm 2 tháng đánh vật với viết chữ bằng phấn.Thêm một tháng ngồi học giáo án nữa. Rồi cái ngày không thể trì hoãn được nữa ấy cũng đến. Nó rất oai phong, đi xăm xăm một mạch từ phòng giáo viên lên thẳng tầng 3, vào luôn trong lớp, đứng sừng sững. Nó sợ, nếu dừng lại một tí ti là nó sẽ không đủ hồn vía mà bước lên bục giảng. Thật may, vốn là dân bóng chuyền nên nó đã quen kiểu đứng trung bình tấn. Dù run từ trong ruột run ra nhưng chân vẫn vững vàng, thẳng tắp, mặt nó lạnh lắm, sợ quá thành đơ ấy mà, do vậy mà nó vẫn ở thế thượng phong. Học trò im phăng phắc nhìn. Chúng nó nín không dám thở vì sợ làm lay động nhuệ khí của cô giáo. Sau này, khi cô trò đã thân quen như bạn bè, chúng nó mới nói lại: Cả lớp đã cá nhau là cô sẽ bỏ chạy.Chúng nó im lặng là đang đếm ngược đấy. Mới có đến 4 đã thấy cô gật đầu cái rụp nên đành ngồi xuống. Quả là học trò thời nào cũng giấu trong mình đầy những trò tai quái để nắn gân thầy cô giáo.
Nó không thể nhớ hôm ấy nó đã mở máy ra và tuôn bằng hết những gì học thuộc bằng cách nào, chỉ nhớ mang máng là bẻ gẫy đâu khoảng nửa hộp phấn, viết kín nửa bảng và áo quần thì bê bết phấn. May mà ngày ấy nó chưa mặc áo dài chứ không hôm ấy áo dài của nó thành khăn lau bảng độc đáo rồi.
Vậy mà cũng đã 29 năm rồi. Giờ đây nó vẫn hay làm gẫy phấn nhưng chữ nó thì đã đẹp trở lại. Mỗi ngày, nó lại đi xa hơn cái ngày đầu tiên bước lên bục giảng để đến gần hơn cái ngày rời xa. Thật sự nó đã cảm nhận được sự lưu luyến của mỗi ngày lên lớp. Nó muốn trao hết những gì nó có hôm nay cho lũ học trò mà nó yêu thật sự. Dẫu có nhiều lúc chúng làm nó buồn, nó giận, nhưng thấy chúng chăm chỉ tập soạn và tập giảng bài, nó lại thấy lòng ấm áp lạ  thường. Và nó thật sự ngưỡng mộ lũ học trò nghịch ngợm nhưng cũng thật thông minh, tài giỏi và đáng yêu ấy.
Bao giờ cũng vậy, cứ đến những ngày này, lời nó luôn nói với học trò: Cám ơn các em đã cho cô những tháng ngày quý giá! Chính các em đã giúp cho cô học được thật nhiều! Và nhờ có các em, cô luôn biết mỉm cười!