Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Gia tài để lại






1/ Nhân vật NAM: cao 1m64, nặng khoảng 68kg. Ngăm đen. Hàm én mày ngài.
Năng khiếu: Làm Chính ủy.
Thiên hướng: Tiếu lâm, lạc quan và tốt bụng.
Sở trường: Duy nhất biết hát 2 bài: “Tiến bước dưới Quân kỳ” và “Tiểu đoàn 307” (Hát để ru con ngủ)!
2/ Nhân vật NỮ: cao 1m53, nặng khoảng 52kg. Trắng nõn. Miệng hoa mắt phượng.
Năng khiếu: Làm bạn với con cái.
Thiên hướng: Nghịch ngầm, lạc quan và làm Phó Thư ký Công đoàn.
Sở trường: đọc thơ và cũng biết hát.  (Kiểu như: “Yêu là có chết trong lòng 1 tí”)!
Ngoài ra, cả 2 nhân vật vốn là người Việt gốc tre nên rất yêu lao động. Dù đi đâu ở đâu cũng thích mói đất để trồng rau, trồng ớt, trồng sắn khoai, nuôi gà, nuôi lợn. Đi rừng chặt củi, hái quả cũng rất giỏi nữa.
Hai nhân vật được bà cô làm mối. Chị dâu em chồng lúc ấy đều là cán bộ Cách mạng, nhân vật nam là bộ đội chủ lực. Đi bộ mấy chục cây số đường rừng, từ La Hai ( trên rừng) đến tận Sông Cầu (dưới biển) nhìn mặt nhau 1 cái. Lấy nhau. Xong Chương I.
Cuối 1954, mạnh ai nấy đi, ra đến Hà Đông mới gặp và bắt tay sản xuất thế hệ F1 của họ, 2 đứa lớn trước. Rồi về Nông trường chè, Chí Linh, Hải Dương sản xuất nốt 2 đứa. Khóa sổ hộ khẩu. Xong Chương II.
Thế rồi hoa cứ nở. Thế rồi mùa cứ qua. Hai nhân vật cũng đã xong một mùa lá của đời mình.
Thế hệ F1 ở lại. Bấu víu vào nhau. Yêu thương nhau. 4 đứa, mỗi đứa một dáng vẻ, hình hài, một tính, một nết. Nhưng, dù đậm- nhạt, sâu-nông, nhiều-ít, sáng-tối , nổi bật hay ngấm ngầm,… cả 4 đứa đều mang trong huyết quản gia tài vô giá mà ba má để lại: Sự chân tình, ấm áp và cởi mở với mọi người; Sự vui vẻ, yêu đời dù mang trong mình căn bênh nan y không phương cứu chữa, đếm trước được ngày ra đi; Sự nghịch ngợm, tiếu lâm và lãng mạn để lạc quan giữa nghịch cảnh; Sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau,… Cả dáng vẻ lẫn hồn cốt, 4 đứa đều được thừa hưởng khối của để dành ấy. Chúng hãnh diện và biết ơn vì được làm con của ba má. Chúng yêu thương Chính ủy và cán bộ Công đoàn của chúng thật nhiều!
22/12 đến rồi. Ngày của Chính ủy. Lại muốn hát “Tiến bước dưới quân kỳ”! Kính mong Chính ủy và cán bộ Công đoàn hoan hỉ cõi Niết bàn!



Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Nấu cháo



Vội vã lửa, hạt không bung nổi
Cuống cuồng sôi, quánh đặc đáy nồi
Từng muỗng cháo rã rời, tan vữa
Nhạt thếch cười, từng hạt rơi rơi!

Như bát cháo, tình yêu nóng vội
Rát bỏng môi, vồ vập những muỗng đầu
Rồi lặng lẽ …rời đi không lời biệt

Muỗng sau cùng, buốt tận lòng sâu!

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Chị Cả






Không biết, có đứa trẻ nào ngày bé không bị ăn đòn không nhỉ? Và, không biết có bà mẹ nào chưa hề đánh con? Nó không biết chuyện nhà khác, còn chuyện nhà mình, trong thâm tâm, nó vẫn đinh ninh: chị Cả là ngoại lệ. Nó không hề thấy chị bị má đánh đòn bao giờ. Vậy mà….
Với trí nhớ phổi bò của mình, nó vẫn giữ một vài hình ảnh bị má phạt và đánh đòn. Nó với Cu Trung là thường xuyên, hầu như ngày nào cũng nghe má ca câu quen thuộc: “Lên giường nằm xuống!”. Đến độ, ngày nào không nghe lại thấy thiếu thiếu cái gì đó. Đấy là cái cũi giam không cần chấn song, thế là má rảnh tay lo lợn gà, rau ráng, cơm nước. Xong xuôi mọi việc má mới lên nhà, tay lăm lăm cái roi vừa rút trên mái nhà: “Chừa chưa? Xin lỗi đi!”. Thường là chỉ vậy, trừ những lúc tội tày đình, giận quá, má không chờ xong việc, lập tức y án. 2 đứa được vài con lươn vào mông, sau đó má bỏ đi lo việc. Thút thít một lúc là chúng nó lại quay sang nhau nghịch phá hoặc ngủ gật.
Cả nó và Cu Trung đều không bao giờ thấy chị Cả bị má đánh đòn. La mắng thì đôi lần. Nhưng cũng không giống như cách má la mắng 3 đứa. Má mắng chị như kiểu 2 người lớn nói chuyện. Chúng nó không ngạc nhiên hoặc tị nạnh với chị Cả bao giờ vì chúng nghĩ, đó là điều đương nhiên, chị Cả có mắc lỗi như chúng nó đâu chứ. Trong mắt chúng nó, Chị Cả y như má vậy. Mà đúng thế. Ba thì đi biền biệt. Má cũng bận việc, nhất là những năm má đi học ở Hà Nội, chị Cả cai quản 3 cái đứa quỷ sứ này thật là một việc không tưởng tượng nổi. 3 đứa 3 kiểu nghịch ngợm, ma ranh và hùng hổ, Lão Tôn có khi phải bái phục. Bất cứ lúc nào, bất cứ làm việc gì, sẵn sàng có sự cố đến 113 cũng bó tay. Vậy nhưng, chẳng hiểu chị Cả có nghệ thuật chăn dắt gì mà mọi việc cứ đâu vào đấy. Ăn, ngủ, học, chơi, lấy củi, trồng rau củ, nuôi gà,…chúng nó cứ răm rắp. Và chúng nó cũng học giỏi nữa chứ, đứa nào cũng nhất nhì lớp của mình. Thời ấy còn chiến tranh nữa, nhà chúng nó ở Nông trường bộ nên thường xuyên sơ tán đến những chỗ an toàn. Một mình chị Cả với 3 đứa nặc nô, ăn cơm độn sắn, độn mì, vất vả mà đứa nào cũng tròn trĩnh như củ khoai. Vì vậy, chúng nó tín ngưỡng chị Cả lắm, mặc dù rất nhiều lúc, chị thay má đánh đòn. Chẳng bao giờ chúng ấm ức hoặc thắc mắc về cái sự ăn đòn ấy cả. Với chúng, chị Cả là má mà. Chuyện chị Cả không bị má đánh là đương nhiên. Sao má lại đánh má được chứ!
Nhưng sau này, chị Cả mới kể chuyện, là có bị má đánh. Nó rất bất ngờ. Có lẽ lúc ấy là lúc chưa có chúng nó hoặc chúng nó còn bé quá nên không thấy. Chuyện bây giờ nó mới biết, nhưng nó chắc là, nếu có bị đòn thì chị Cả lại mắc cái tội mải đọc truyện quên đổ nước khi nấu cơm.

Bây giờ cũng vậy, khi ba má không còn, chị Cả vẫn như ba má. Chúng nó mong lại được vài roi vào mông nhưng chắc chị Cả chẳng còn sức để vẽ nên con lươn to tướng nữa đâu!

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Quên

           
                           Cháu nghe câu chuyện của bà


                               Chiều rồi bà mới về nhà

                         Cái gậy đi trước, chân bà theo sau

                               Mọi ngày bà có thế đâu

                         Thì ra cái mỏi làm đau lưng bà!


                               Bà rằng: gặp một cụ già

                         Lạc đường, nên phải nhờ bà dẫn đi

                              Một đời một lối đi về

                         Bỗng nhiên lạc giữa đường quê cháu à!


                              Cháu nghe câu chuyện của bà

                         Hai hàng nước mắt cứ nhòa rung rung

                              Bà ơi, thương mấy là thương
                          Mong đừng ai lạc giữa đường về quê!                               
                                          (Theo Nguyễn Văn Thắng- Tiếng Việt 4)
Bao lâu nay đọc bài thơ, xót thương nhưng vẫn thấy cái sự quên ấy thật còn xa lắm lắm. Vậy nhưng, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, mình đã chứng kiến cảnh quên đến 2 lần.
Lần trước là lúc mình đến ngân hàng để ký sổ hưu. Có 2 vợ chồng cụ già chừng 70 tuổi. Cụ bà đi cùng cụ ông để xin các cô nhân viên cho ông nhận lương. Vì cụ ông chuyển lương qua ATM nên cứ 6 tháng phải ký lại một lần nhưng tự nhiên tháng ấy, cụ ông không sao ký lại đúng chữ ký của mình nữa. Thế là làm lại thẻ, và tháng ấy, chắc phải đến cuối tháng cụ mới nhận được lương.
Hôm nay, ra ngân hàng chuyển tiền cho con. Khách hàng trước mình là một cụ ông, chắc hơn 70, nhìn thì rất khỏe mạnh và sắc sảo, tay đang giữ một xấp tiền đã được phân loại thành từng nhóm, có dây thun cột ngoài và một tờ giấy ghi số tờ mỗi loại. Mình thật bất ngờ khi nghe cô thu ngân hỏi: “Bác gửi thêm bao nhiêu ạ?”, ông cụ ngơ ngác, lật tới lật lui các xấp tiền mà không sao nhớ nổi số tiền định gửi, trong khi trước đó, cụ đã ghi vào tờ khai. Thế là cô thu ngân phải lục lại tờ khai, kết hợp với đếm tiền cho cụ.

Vậy là, cả ngày cứ ám ảnh với cái sự quên. Mình cũng đang đi dần đến ngưỡng ấy. Chỉ là vấn đề thời gian. Sợ nhỉ. Chỉ mong làm sao để cái quên ấy không làm tổn thương hay nguy hại cho ai, cho mình!

Lại tập viết





Tuổi ông bà bỗng hóa trẻ thơ

Chập chững viết từng hàng, từng chữ

Mắt bối rối, tay lem vết mực

Cũng mừng rơn khi chữ thành hàng



Qua năm tháng, bàn tay chai sạn

Thoáng  bồi hồi trở lại nét quen

Gắng uốn lượn cho thanh, cho đậm

Giữ ngay hàng  nét xổ, nét nghiêng



Ngày mỗi ngày chữ đầy trang vở

Mỗi ban mai lấp lóa hoa cười

Từng nét chữ ủ đầy hoài niệm

Tuổi vỡ lòng thức dậy giữa hoàng hôn!
(Tập viết cũng là một liệu pháp để chống teo não)
20/10/2015



Chuyện cổ tích của một kẻ đóng thế!




Ngày xửa ngày xưa, Cái đứa ấy có một anh chàng. Anh chàng ngày xưa học ở lớp Sinh. 
Có một hôm, chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, được Cái đứa ấy rủ nấu nấu nướng nướng món gì không nhớ nữa. Chiều hôm đó cũng có Anh chàng ngày xưa. 3 đứa đang lụm cụm nồi xoong, bỗng nhiên Cái đứa ấy biến mất. Mãi đến lúc phải ăn để còn đi xem phim  thì 2 đứa còn lại mới phát hiện ra sự mất tích này. Chả là tối hôm đó, nhà trường có tổ chức cho toàn thể sinh viên xem phim ở Nhà hát "Nậy" (lớn), hình như là phim Làng Vũ Đại ngày ấy! Bởi vậy nên 2 diễn viên bất đắc dĩ này đành tự nhìn nhau. Tự ăn. Rồi tự cùng nhau sánh đôi như thật bước vào Nhà hát trong hàng trăm con mắt đổ dồn của tất cả sinh viên! thì chẳng có tâm trạng nào để ý thiên hạ vì còn nhớn nhác đi tìm Cái đứa ấy! Mà thực sự, lúc đó cũng chưa thấm thía hết cái tình cảnh của mình. Lại còn ra sức cám cảnh hộ cái Anh chàng  ngày xưa phải vất vả đi cùng !
Đến tối về, thấy Cái đứa ấy đã nhe răng, tít mắt ngồi chễm chệ trên giường. Nó gào lên:
-        - Giời ơi là giời! Mày biến đi đâu thế?
-        - Hì…hì…hì…Việc quan trọng!
phồng mang trợn má mà chẳng thốt ra được lời nào, đành lụi cụi xếp giường đi ngủ. Rồi như  mọi khi, Cái đứa ấy chúa lười mắc màn kia ôm gối dòm chừng nó, mắt không thể đắm đuối hơn. Dù đang nuốt cục giận to đùng, cũng đành gật đầu cái rụp:
-         - Lên  đây!
Chỉ chờ có thế, Cái đứa ấy leo tót lên giường. Vẫn cười hì hì và ra sức ôm chặt . 2 đứa chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Đến bây giờ vẫn chưa có dịp tra khảo Cái đứa ấy vì việc quan trọng gì mà đẩy cho 1 vai đóng thế ngoạn mục. Lâu lâu nhớ về chuyện ấy,  thấy lại mắc cười quá! Và nhớ quay quắt những năm tháng sinh viên nghịch ngợm. cũng thật tò mò không biết Cái đứa ấy giờ đã làm mẹ còn lười mắc màn không nhỉ? Và Anh chàng ngày xưa có nhớ câu chuyện này không? Giờ anh ta lưu lạc ở đâu hả Cái đứa ấy?
vẫn hay "Mơ về nơi xa lắm" ấy! Không phải để hy vọng nhận một vai đóng thế nữa đâu! muốn lại được nuốt cục giận ấy một lần nữa, muốn được mắc màn cho Cái đứa ấy để 2 đứa 2 rúc vào nhau qua mỗi đêm đông lạnh của đời sinh viên trên đất Huế!