Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012
Phong Nha đệ nhất động
Một ngày làm Tazăng. Leo trèo như động vật hiếm nhưng không quý, mông chổng cao hơn đầu, vã mồ hôi hột để vượt hết Động Khô, lữ khách du thuyền vào thăm Tiên Động. Cứ như được nạp năng lượng bởi chiếc máy lạnh khổng lồ.Một lũ diến viên quần ngố mặc sức tạo dáng
Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012
Lời hẹn với Con đường 20 - Quyết Thắng
Vậy là đã 3 tháng kể từ ngày chúng tôi đến nơi ấy: Con đường huyền thoại kể về những anh hùng bất tử trên Đường 20- Quyết Thắng.
Giờ đây, đến Quảng Bình, mỗi người Việt Nam đều biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là một thắng cảnh tuyệt vời mà còn biết đến giá trị lịch sử của vùng đất này. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nơi đây chứa trong lòng tuyến đường huyet mạch huyền thoại: Đường Trường Sơn! Con đường của một thời tuổi trẻ cả nước đều thuộc làu câu thơ: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Tại sao lại có tên là Đường 20? Khi mới đến, chúng tôi đều có chung một câu hỏi đó và nghĩ rằng: đây là cây số thứ 20 của tuyến đường. Đường 20 - con đường của lứa tuổi 20 mang tên Quyết Thắng. Với một lòng quả cảm và quyết tâm sắt đá, nghị lực phi thường, từ ngày 20/12/1965 đến ngày 5/5/1966, các lực lượng của ta , nhất là đội ngũ TNXP đã chọc thủng Trường Sơn, mở 123km đường từ thôn Phong Nha đến ngã ba Lùm Bùm, thuuộc nước bạn Lào để thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường. Không ai có thể tính hết được những hy sinh, mất mát của bộ đội Trường Sơn những năm ác liệt ấy. Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các anh, các chị TNXP, bộ đội công binh, bộ đội lái xe. Đến cung đường này, chúng tôi được nghe kể biết bao câu chuyện tưởng như thần thoại. Trung bình, mỗi sải tay nơi cung đường này đã vùi chôn một chiến sỹ mở đường. Và đến nơi đây, không thể không đau đớn đến thắt lòng khi nghe kể về khúc ca bi tráng của Huyền thoại Hang Tám Cô. Các chị đều ở tuổi 18, 19, ra đi trong một hoàn cảnh khốc liệt, có một không hai trong lịch sử nhân loại. 7 ngày chết dần chết mòn trong sự tuyệt vọng của bản thân và của đồng đội bên ngoài cửa hang! Thắp nén nhang cho các anh, các chị mà lòng ai cũng nghẹn đắng. Cái ngột ngạt đến tột cùng của sự bất lực trước hoàn cảnh để lại cho tất cả những ai chứng kiến hoặc được nghe kể lại nỗi đau khôn cùng.
Thật may mắn, lần ấy nhờ sự chu đáo của người bạn cùng Khoa, chúng tôi có điều kiện tổ chức ra Phong Nha. Ban đầu, chúng tôi chưa được biết về Hang Tám Cô, nhờ anh bạn làm tại Truyền hình Quảng Bình khuyên, chúng tôi quyết định đến đây, trước khi đến Nghĩa trang Trường Sơn. Đêm ấy, nghỉ tại Khách sạn ở Đồng Hới, tự nhiên mưa bão nổi dữ dội, mọi người trong đoàn đều lo sợ mai không đi được. 6 giờ sang hôm sau,mưa vẫn tầm tã, có người hoang mang và bàn lùi, thôi đừng đi. Tự đáy sâu trong lòng, tôi rất áy náy. Đã nói là phải đi, tôi tự nhủ là mình đừng thất hứa. Chẳng biết làm sao, tôi cứ lẩm nhẩm thầm khấn ba, khấn chung tất cả các anh, các chị, các chú, các cô còn đang nằm lại trên đường Trường Sơn, phù hộ cho cả đoàn đi được đến nơi ấy. Không ai bảo ai, 7 giờ ra xe, mọi người đều nói: Cứ đi, lên thắp hương đã, nếu mưa thì về. Vậy là mấy chị em gái lo mua hoa quả, gương lược. Ăn sáng xong, tự nhiên trời hết mưa. Thế là suốt dọc đường đi, trời quang đãng, mát mẻ và đẹp tuyệt vời. Đi đến đâu tôi đều thấy bướm bay đàn đàn theo sau xe. Tôi thầm nghĩ, có lẽ các anh chị đang vui chào đón chúng tôi.Và dọc đường đi, tôi kể cho bạn bè trên xe về ba tôi, về những câu chuyện ba kể về bộ đội và TNXP Trường Sơn những năm cụ ở chiến trường B. Khi đến thắp hương tại Đền Tưởng niệm các AHLS Đường 20 - Quyết Thắng và tại Hang Tám Cô, ai cũng nhòa lệ, và thật linh thiêng, trời lại đổ mưa rây như cùng chúng tôi khóc thương các anh, các chị. Tôi vẫn tâm niệm: Sự may mắn của tôi và cả đoàn là được sự phù hộ của các anh, các chị đang nằm lại Trường Sơn. Xe rời xa Cửa Hang, tôi cứ ngoái nhìn mãi, xa dần chỉ còn lại một rừng bướm đủ màu. Lạ kỳ, cả đàn chỉ bay theo xe một đoạn, rồi dừng lại. Có lẽ các anh chị đã rất vui khi chúng tôi đến.
Ra về, lòng cứ dặn lòng phải viết về chuyến đi này. Vậy mà lời hứa đến hôm nay tôi mới thực hiện được. Nhưng cũng thật ngẫu nhiên, tôi viết bài ngay trên đất Quảng Bình, cách Phong Nha 60 cây. Nhân ngày 27/7, tôi đã thực hiện được lời hứa của lòng mình trước khi rời Cung đường 20, thay nén nhang tưởng niệm các anh, các chị. Các anh, các chị sống mãi tròng lòng chúng tôi!
Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012
Vào được nhà rồi!
Gian truân vào được trong nhà
Thì nhà mình đấy, dưng mà không cho
Thời gian thì lại so đo
Lặn ngụp 5 bận... ngó vô sân nhà
Tưởng gần mà hóa cũng xa
Tưởng là hiện đại hóa ra cũng phiền
Chút buồn rồi cũng mau quên
Lại vui với Log Tri ân nhà mình!
Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012
Ong đốt
- Bụi này mẫm ghê!!! Của em....Của em xí rồi.....
Ánh mắt của nó chưa theo kịp bóng cậu em thì...Bụp!.....vù..ù...!..vo..vo....
- A..a.....a...đau quá má ơi!....
Một đám mây màu vàng ươm và vang động các âm thanh vo vo phủ kín cu Trung. Nó không còn hồn vía gì nữa. Chết rồi, tổ ong. Vứt hết tất cả nón, dép và túi sim, nó vùng chạy tới lôi thàng em ra. Mặt thằng em đã sưng vù, nhìn xuống chân nó càng khiếp đảm, một chân đã sưng phồng một cách đáng sợ. Nó vừa khóc vừa lấy cành cây quất túi bụi để xua bầy ong đang giận dữ trả thù. Rồi hai chị em cắm đầu chạy một mạch xuống chân đồi, thoát khỏi lũ ong dai dẳng mới dám dừng lại để thở. Nhìn mặt thằng em nó rất sợ nhưng không nén được cười. Sau cái hoảng sợ ban đầu, cu Trung cũng toét ra cười mếu máo. Chạy về đến nhà thì cũng là lúc em nó lên cơn sốt đùng đùng. Má cõng vội em chạy tắt qua đám lạc đến trạm xá để tiêm thuốc. Hai ngày sau cu Trung mới hết sốt, và 10 ngày sau nó mới hết sưng ở khắp người.
Đã mấy chục năm qua rồi, vậy mà nó vẫn luôn nhớ về cái ngày hôm ấy.Và cũng chừng ấy năm, nỗi nhớ về những buổi chiều tím sẫm màu sim tím luôn ám ảnh nó. Đôi khi, nỗi nhớ trở thành một ý nghĩ điên rồ: " Giá bây giờ được ong đốt cho một phát nhỉ!!!!!".
Ừ. Mà có lẽ phải thế thật. Cho ong đốt để chừa cái bệnh ngẩn ngơ, chiêm bao giữa ban ngày!
6/7/2012
Biết nói gì được đây! Anh bộ đội Cụ Hồ ơi! sao lại như vậy được chứ? 19.20' ngày 29/6/2012, hưởng dương 58!
Câm lặng và Đau đớn!
Đời người sao mà ngắn ngủi quá chừng!
D.Đ. C ơi!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)