Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Thế rồi.....



Thế rồi cải cứ nở hoa
Thế rồi bướm cứ la đà bờ sông
Hanh hao cái ngọt chiều đông

Ươm vàng cái héo…….theo chồng, em đi!

Nhàn cư




Rộn ràng sắp xếp đợi cái quên
Thong dong tí tửng đón cái già
Vào ra thơ thới cùng hoa lá
Nhàn cư đếm việc cứ như là…..


Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Bạn


Không nhớ từ khi nào mà hai đứa lại thân nhau nhiều thế. Có lẽ từ khi nó vào đội tuyển bóng chuyền nữ của trường. Fan cuồng nhiệt và tận tụy nhất của nó là cô bạn ấy, Hồng Hoa.
Bạn ấy không biết đánh bóng nhưng hễ thấy nó ra sân là lập tức thành nhà “bình loạn viên” số 1. Dù nó đánh hỏng thì Fan ruột này cũng vẫn cứ bênh chằm chặp, đổ thừa ngay cho quả bóng. Cho đến giờ nó vẫn không xác định được là HH thích bóng chuyền rồi thích người chơi, hay thích người chơi rồi thích bóng chuyền. Chỉ biết rằng, 2 đứa thích nhau từ duyên quả bóng.
Nhớ cái lần, có đội tuyển nam của Lào thi đấu giao hữu ở sân ký túc xá Nguyễn Huệ. Hôm ấy nó đi thư viện về muôn, bị lỡ mất 2 hiệp. Vừa thấy mặt nó thò về, HH lao ra lôi tuột vào chỗ thi đấu. Nó thì chăm chắm vào từng đường chuyền, từng cú đập cháy lưới, còn bạn thì say sưa nhìn sự háo hức trên mặt nó. Bạn theo dõi trận đấu bằng cách đọc diễn biến trên mặt nó, cùng cười tấm tắc hay tiu nghỉu tiếc rẻ với từng đường bóng. Mỗi lần nhìn sang, nó lại thấy chứa chan sự mãn nguyện, trìu mến và chân tình trong ánh mắt bạn. Cứ thế, nó vô tư nhận sự chăm bẵm của bạn như sự tất nhiên ấy. Sau nghĩ lại mới thấy mình thật là đứa bạn vô tâm nhất trần đời.

Tận sau này, bao lần trở lại Huế, về ngôi nhà của bạn, nó vẫn cứ được Fan hâm mộ chiều như với một cầu thủ nổi tiếng. Và không chỉ nó, bạn bè VK2 từ các nơi về Huế cũng đều nhận được sự ưu ái  thân tình từ các thành viên của “Ngôi nhà Hạnh phúc” này. Muốn về nhà ở Huế rồi, HH ơi!

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Chị Hai




-         - Người ta ngã rồi!... chảy máu nữa này!....Lấy lông culy đi, mau lên!..... ….hờ..hờ..hờ
-         - Giời ơi!...Lại đứt tay rồi!...Ở yên đấy!...Đã bảo mà….
-         - He..he..he…bị lừa rồi nhé!
-         - Hu..hu..hu…hụ..hụ..hụ…má ơi!!!!
Thế là con gà mái ri quăng dao, quăng mớ lông culy, ngồi phịch xuống, khóc rống lên, tóc tai rối bù, nón hất ngược ra sau, nước mắt và mồ hôi bét nhè trên mặt. 2 chân chị nó di đi di lại làm nát tươm đám cỏ. Nhìn cảnh ấy nó mới nhận ra cái dại của mình, nhưng nó lại sợ nên không dám dỗ chị, len lén cặm cụi chặt cho xong gánh củi.
Vốn thường xuyên có năng khiếu tự gây thương tích nên dẫn nó đi đâu là chị nó rất khổ sở, nhất là đi lấy củi hay nhặt hạt dẻ, không lần nào là không có tai nạn, hết đứt tay lại đến ngã trầy đầu gối. Có lần, nó cùng cả gánh củi lăn một mạch từ đỉnh xuống chân đồi, cả lũ trẻ đi cùng xanh le mắt, đứng như trời trồng. Chị Hai nó vẫn như mọi khi, quăng gánh củi trên vai xuống, bạt đám cây rừng lao theo nó. Tới nơi đã thấy nó nhe răng ra rất sảng khoái: “Xem tớ đi nhanh chưa này!”. Chị Hai hú vía và tức lộn ruột, lại chỉ biết gào rống lên!
Người ta nói: con dạ lanh hơn con so, hình như đúng vậy. Chị Hai nó nhỏ con nhất nhà, từ bé người đã như cái kẹo nhưng làm gì cũng giỏi, lại nhanh như cắt í, nhanh hơn chị Cả nhiều. Đi củi, hái sim, nhặt hạt dẻ rồi bắt cua bắt hến, mót khoai, trồng rau, nuôi gà, việc gì chị cũng bươn bả nhất, làm nhiều nhất. Hồi ấy, ba ở chiến trường, chỉ mấy có má con đùm túm, phải tự chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện mà. Vào dịp hè, má hay khoán mỗi đứa một đống củi, đủ để đun trong năm. “Cây giống bóng, của giống người”, những bó củi của chị Cả dài lêu nghêu, cành con còn cả chùm, bó thì vẹo vọ, những bó của nó thì lều khều, cong queo, lá lảu um xùm, bó thì xốc xếch. Còn những bó củi của chị Hai nó thì mê li, cây nào cây ấy thẳng tưng, nếu có cong thì khi xếp vào bó, chị Hai nó cũng ép thế nào mà tròn vo, chắc nịch. Chị bé người nhưng lúc nào bó củi cũng to nhất, nặng nhất. Chắc ngay từ lúc ấy, vì là người tham công tiếc việc nên chị Hai mới bé con như vậy.
Thời còn chiến tranh, khi đi học, trẻ con phải đội mũ rơm và đeo nùn rơm, cả túi thuốc cá nhân nữa chứ. Chị Hai nó còn rất khéo tay may vá, đan lát nữa cơ. Những cái mũ rơm chị đan phải nói là đẹp như hàng thủ công mỹ nghệ bây giờ ấy. Nó thì chẳng làm cái gì được nhưng mũ rơm, túi thuốc của nó bao giờ cũng đẹp nhất lớp.
Sao lúc bé, tóc nó lại chẳng được như 2 chị nó nhỉ, các chị ai cũng có mái tóc thật dài, tới tận khoeo, lại dày và óng mượt. Còn nó, gom tới gom lui cuôn lại cũng chỉ được 1 củ hành tăm. Thế mà suốt ngày nó xách cái mớ tóc vĩ đại ấy bắt chị Hai buộc làm sao cho “thật đẹp và to như của chị í!”
Xét cho cùng, đáng lẽ nó phải là thằng con trai mới đúng. Có như vậy, các chị mới không khổ bởi cái hậu đậu của nó, nhất là chị Hai. Cho đến giờ vẫn vậy, dắt nó đi đâu, các chị vẫn bị nó ăn vạ kinh lắm. Thế mà vẫn cứ thích đi cùng nhau cơ.


Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Chị



Với mình, kỷ niệm về chị không nhiều nhưng ký ức thì có. Không thể nhớ cụ thể từng chi tiết nhưng ấn tượng còn lại đến giờ vẫn nguyên vẹn như của con bé năm 1.
Để chuẩn bị văn nghệ chào mừng Lễ khai giảng, mấy đứa con gái lớp mình được hát đồng ca. Bây giờ thật sự chẳng nhớ chúng nó đã hát bài gì nữa. Chị là người lăn xả ngày đêm, hò hét, quát tháo, dỗ dành để cái dàn hợp xướng bất đắc dĩ ấy hát cho đúng lời, và quan trọng là đúng nhịp. Mình không dám nói ai, chỉ riêng bản thân thôi, vốn có năng khiếu hát sai tone, lạc phách, thế mà cũng gan to dám hát. Liều kinh lên được. Sau này nghĩ lại cứ buồn cười và thương chị. Điều khiển cái dàn ca ấy lên được sân khấu, hát được hết bài, nhận tràng vỗ tay của khán giả, cúi chào rồi an toàn đi xuống thì quả là kỳ tích.
Tập tành đâu vài buổi rồi nháo nhào lo áo dài để diễn. Lúc ấy, làm gì có đứa nào mang áo dài theo. Thế mà, chỉ trước đêm diễn có 2, 3 bữa thôi, chị (hình như có Nhung nữa) đã khuân ở đâu về cả mớ áo dài trắng, đủ để cả bọn đứa nào cũng chọn được bộ đẹp nhất, vừa nhất. Rồi chị mang bàn là vào, xắn tay áo lên ủi từng bộ cho từng đứa. Lúc ấy các ca sĩ còn đang ngây ngất trong hưng phấn của những Ngôi Sao mới được khai quật, đâu có nghĩ gì, chỉ săng sái áo áo quần quần, đầu tóc cho thật điệu đà, khi hát thì mặt cứ vác lên, nhận hoa thì rất chi là chảnh. Và thật sự, mình chẳng nhớ gì đến những âm thầm lo lắng của chị. Mãi sau này, khi gánh hát tuồng của VK2 trở nên vang dội, mỗi lần đi diễn, được Tứ Hải lo lắng cho cả bọn, mình mới thấm thía những ký ức về chị.
Rồi trước khi theo ra đình ra nước ngoài, chị mời mọi người đến nhà ăn cơm. Không biết có hết cả lớp không nhưng mình thì có. Nhà chị ở sát cạnh Chợ An Cựu, có cái cổng gỗ nhỏ bé, chỉ thấp ngang ngực. Chị đi rồi, mỗi lần đi qua mình lại cứ ngoái nhìn, như chờ đợi bất chợt chị ở đấy bước ra!
Bao giờ về, chị lại tập cho chúng em hát nữa nhé, chị Ngọc!