Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Còn lại!



Mỗi sớm ban mai
Luôn là bắt đầu
Của ngày còn lại
Luôn là bát ngát
Của muôn: sẽ là.....

Mỗi sớm ban mai
Luôn là đầu tiên
Của muôn dự định
Cất vào chiếc túi
Hành trang cuộc đời.

Mỗi sớm ban mai
Bàn chân thong thả
Bước vào tương lai
Dẫu gần hay xa
Nào đâu biết được
Ung dung thanh thản
Ta vui lên đường!

Thèm!!!!!!!


Thấy người mà thèm
Thấy người mà ước
Dặm đường rong ruổi
Bát ngát tiếng cười

Về đất Dốc Mật
Thế hát vang ca
Ngọc Lan thơm tỏa
Một vườn ngát hoa

Bắc Giang nhà ta
Dã Hương gió Mát
Hiên ngang vững chãi
Oai Phong một vùng

Nào khoai, nào lạc
Nào vịt....nào....Sao
Nhã ta được Dịp
Bày cỗ đón chào

Ô ô...a.a
Thấy sao mà nhớ
Thấy sao mà thèm
Một lần lại ra!!!!!

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Hồng ơi hồng à


Thấy thế tưởng thế
Mà không phải thế
Hồng ơi...hồng à...!
Chuyện dài muốn kể...

Cổ tích 70
Mới chỉ mở đầu
Dung dăng dung dẻ
He he he he...............

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

3 tâm trạng và....


3 tâm trạng của những học trò:
                         Vùng phấn bay

                                                Phi Tuyết Ba

Hình như…Thầy chẳng khác xưa

Ba lăm năm trước …Thầy đưa qua đò!

Dòng sông kiến thức sóng xô

Mong manh trang vở học trò trắng tinh

Em cầm cây bút đời mình

Thầy cầm viên phấn chắc tình quê hương

Đất trời đang trải mấy phương

Nắng, mưa, sương, gió… biết thương đời Thầy

Sông bao nhiêu nước sông đầy

Cánh đồng gieo chữ… đợi ngày hoa non

Bao nhiêu viên phấn đã mòn

Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung

Nước trôi về xứ vô cùng

Thương Thầy ở lại một vùng phấn bay

Trang trời xanh thẳm hôm nay

Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu

Sông đời bất chợt nông, sâu

Học Thầy, em bắc chiếc câu: Chữ TÂM


                         ***


                      Em xin lỗi Thầy

                                            Dương Thuấn

-Chào Thầy ạ!Mai em vào đại học.

-Chào Thầy ạ!Mai em đi bộ đội

-Chào Thầy ạ!Em đi học nước ngoài…



Học trò nào cũng vậy

Khi bắt đầu một công việc lớn

Đều đến chào Thầy, chúc Thầy mạnh khỏe

-Chào Thầy ạ!

Lời chào nghe sao mà kiêu hãnh thế,

Nếu ai không có Thầy làm gì cũng chẳng nên!



Nhưng lần ấy gặp Thầy, bọn em đã chạy trốn

Từ chợ huyện về, mặt Thầy bị vương đầy hoa cỏ

Thầy gùi trên vai mắm, muối, gạo, dầu…

Cả lũ bọn em cùng chui vào bụi rậm

Cùng nhịn cười, bấm bụng, nhìn nhau…



Xin lỗi Thầy! Lần ấy bọn em không chào Thầy
Vì gặp Thầy giữa nơi đường trơn, khúc khuỷu
Không thể đứng nghiêm, đưa tay ngang trán
Chào giống như cách của Thầy vẫn dạy bấy nay!
                                 ****
                            Dạ thưa Thầy
                                                     Võ Thanh An
Dẫu biết rằng: “Một sự nhịn là chín sự lành”

Dạ thưa Thầy, con đã nhịn đến quên mình

Sao sự lành hiếm thế???

Vâng, thì cõi luân hồi là bể dâu, dâu bể

Con vẫn nhớ lời Thầy: diệt oán bằng ân

Ngày nay bảng đen có nơi thay tấm fooc-mi-ca màu trắng

Buộc lòng viên phấn là bút dạ màu đen.



Dạ thưa Thầy, con vẫn là một đứa bé ý nguyên

Run lên trước cuộcđời như đã từng run lên khi Thầy kêu lên bảng

Dạ thưa Thầy con vẫn tin sự nhị là cứu cánh

Bao giờ cuộc đời lành hơn????

Dạ thưa thầy……

                                                                     *****

                         

Và mong muốn của một phụ huynh:


“…Xin Thầy hãy dạy cho con tôi:

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này:

Rằng:

Không phải tất cả mọi người đều công bằng

Tất cả mọi người đều chân thật

Nhưng, xin Thầy hãy dạy cho cháu biết:

Cứ một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực;Bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm.

Cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này, thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn.

Bài học này sẽ phải mất nhiều thời gian, tôi biết; Nhưng xin Thầy hãy dạy cho chúa hiểu rằng: một đô la kiếm được do công sức lao động của mình làm ra quý giá hơn nhiều so với 5 đồng đô la nhặt được ở trên đường phố”.
....
Đây là một đoạn trong bức thư của Tổng thống A. Lincon gửi Thầy Hiệu trưởng trường nơi con trai ông đang học. (Nguồn trích từ trang Báo GD&TĐ, số 20, ngày 14/2/2004).
Có lẽ đoạn thư này giải đáp được phần nào những trăn trở trong bài " Dạ thưa Thầy". Hãy tin ở những điều tốt đẹp. Cố gắng sống làm người CỘNG, giúp đỡ để người TRỪ ngày một CỘNG hơn, triệt tiêu người CHIA và đích đến là: người NHÂN!





Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Thưa Thầy



Ăn vụng - giấu má, giấu ba
Làm sao giấu được bao la đất, trời!!!
Âm thầm hối hận nửa đời
Nửa đời còn lại vui cười tuổi thơ
Thưa Thầy: đã kể từ xưa
Cái chuyện ăn vụng, để ngừa răn con.
Vui cùng Blog Tri ân
Chỉ dám gọi ""....xưng tên đâu mà!!!!

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Thật a?!!!


Vậy là Trung thu đến thật a?
3 buổi chiều mưa liên tiếp vừa đủ để hôm nay trăng rằm mang cái hơi lạnh chính hiệu của mùa thu. Lũ trẻ con la ó ỏm tỏi át cả tiếng trống lân. Ngồi trong nhà mà cũng thấy chộn rộn. Giá mà có TA ở nhà là được đi lượn một vòng rồi. Biết đâu lại chả tìm được cái lồng đèn cực độc.
Vậy là nhớ.
Vậy là lại miên man với bao ký ức Trung thu. Vui và buồn lẫn tung hết cả lên.
Vẫn thấy chộn rộn có nghĩa là chưa lẩn thẩn. Thế là may.
Ừ mà cứ kiểu này, biết đâu vài ba chục năm nữa mình lại tranh nhau lồng đèn với chắt nhỉ?
Hi hi hi hi..... được đấy.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Ăn vụng hồng!



Không biết, có ai trong suốt tuổi thơ của mình không một lần nói dối, không một lần ăn vụng không nhỉ?
Nó thì rất nhiều lần nói dối. Và cũng rất nhiều lần tự ý làm không xin phép má và các chị. Một vài ăn vụng.
Nhưng  nó chỉ nhớ nhất lần ấy thôi. Và cứ đến Trung thu là nó lại nhớ. Hồi đầu, mỗi lần nhớ nó xấu hổ lắm. Nhưng càng về sau thì nỗi xấu hổ ấy cứ chuyển dần sang thành nỗi nhớ tuổi thơ. Còn bây giờ thì nó thực sự thích thú về lần ăn vụng ấy. Thế mới là trẻ con. Thế mới là nó được chứ.
Ấy là hồi nhà nó đã chuyển về Trường HSMN số 10 rồi, đâu khoảng năm 1972, 1973 gì đó. Sau lần ba ở chiến trường B về phép. Lần về ấy ba đạp xe ra Dốc Mật để đưa thư của một anh lính trong đơn vị gửi cho gia đình. Chẳng biết các cụ nói với nhau những chuyện gì nhưng nó và cu Trung được hưởng lộc nhiều nhất. Sự thể là thế này: Từ lần ba ra thăm nhà ấy, ông cụ của anh lính thường xuyên đạp xe vào Trường 10, khi thì quả mít, khi thì nải chuối trứng quốc tròn căng núc ních. Và lúc nào cũng có kèm theo một con cá tươi rói. Cụ nói là của vườn nhà. Đặc biệt là hồng. Sao mà đỏ, sao mà mọng, sao mà ngon thế chứ lị! Nó ứ cân biết có bị mắc họng không, nó với cu Trung cứ hồn nhiên san phẳng mặt bằng, nhiệt tình một cách triệt để.
 Lần ấy, sát ngày Trung thu, ông cụ lại vào. Lần này là con cá mè hoa và một giỏ hồng. Ông tài thật đấy. Đường thì xa như vậy, lại đạp xe, thế mà không quả hồng nào bị trầy, dù chỉ một tí phấn. Quả nào quả nấy mơn mởn và tươi nguyên. Má đi công tác Hải Dương từ sáng sớm. Ông về rồi, như mọi lần, nó làm cá sạch sẽ rồi kho. Sau đó, nó cẩn thận xếp từng quả hồng vào chiếc đĩa, đặt tít bậc cao nhất của chiếc tủ âm tường. Lâu lâu lại say sưa ngắm nghía. Má luôn dạy chị em nó là: ai cho gì, khi nào má cho phép mới được ăn! Nó cất để đợi má về.
Đã hơn 3 ngày mà sao má chẳng về, Cu Trung thì suốt ngày ở ngoài đồng. Đĩa quả hồng thì cứ ngày một đỏ rực. Các cuống của nó đã quắt lại rồi. Ghé mũi ngửi nó thấy thơm đến quắt ruột. Thế rồi, cái gì đến phải đến. Nó tắc lưỡi cái bép. Nhón tay chọn quả chín nhất. Sau một hồi lưỡng lự và sợ sệt, cái tắc lưỡi thứ hai đánh gục sự sĩ diện. Vậy là nó quên hết. Chỉ còn vị ngọt của quả hồng làm nó mê tơi. Nó cứ nhấm nháp từng tí, từng tí một, chỉ sợ quả hồng hết.
Nấu cơm xong, má vẫn không về, gọi mãi cu Trung cũng chưa chịu về. Hồi ấy làm gì đã có tivi mà xem. Lượn 3 vòng vừa đủ chóng mặt để quên nỗi sợ, nó lại nhót tiếp một quả nữa. Cái tắc lưỡi lần này là dành cho kết luận: Hồng chín quá rồi mà.
Tận chiều tối hôm sau má mới về, mang theo bánh Trung thu ở Hải Dương. Hồi ấy cái bánh bé lắm, nhưng với lũ trẻ con ở chỗ nó thì đấy là hàng xa xỉ rồi. Ngày ấy má cũng không thắp hương ngày rằm đâu, chỉ Trung thu thì bày ra đĩa bánh và vài loại quả gọi là mâm ngũ quả thôi. Nhà mình mấy năm ấy hay có hồng của ông cụ ngoài Dốc Mật nên mâm quả có vẻ đỏ và sang hơn cả. Má về đã hết Trung thu nên chỉ chia bánh ăn, không bày nữa. Bưng đĩa hồng xuống thấy bắt đầu mềm, má bảo: sao không ăn để nũng hết rồi.
Lúc ấy nó mới ấp úng nói : con ăn hai quả, Trung chưa ăn quả nào! Má chỉ cười. Đến tận bây giờ nó cũng không biết lúc ấy má nó nghĩ gì.
Kỷ niệm Trung thu của nó đấy. Bây giờ mà có đĩa hồng như thế nó cũng vẫn cứ ăn vụng, và không chỉ một quả đâu, ai bảo hồng ngon và chín mau thế chứ.
Ông cụ ấy là Cụ Bột, thân sinh anh Nguyễn Văn Thế đấy. Đố anh Thế có một đĩa hồng như vậy để nó được ăn vụng một lần nữa.

Sự kiện 11/9, sau 56 năm!


11/9 sau 10 năm. Nước Mỹ đang có những thay đổi. Người dân Mỹ thấy bất an hơn dù trùm khủng bố đã bị tiêu diệt. Niềm tin vào sự bất bại của một nước luôn coi mình là mạnh, là tuyệt đỉnh đang bị lung lay. Họ tự cảm nhận được sự giới hạn của sức mạnh!
Nước Nhật sau thảm họa sóng thần. Các bài giảng về sự ưu việt tuyệt đối của sức mạnh con người và sức mạnh của điện hạt nhân đang được gỡ bỏ trong sách giáo khoa các cấp học.
Và.
Một sự kiện 11/9 sau 56 năm!
Theo cuốn sách Thuật đắc nhân tâm của nhà văn Jon.C. Maxwell, tất cả chúng ta có thể chia thành 4 kiểu người.
a/ Chúng ta quý mến những người mang giá trị cho cuộc sống! Họ là những người:
Làm tất cả những điều tốt mà bạn có thể;
Cho tất cả những người bạn có thế;
Bằng mọi cách bạn có thể;
Tới khi nào bạn còn có thể.
Những người này được gọi là NGƯỜI CỘNG
b/ Chúng ta hãy khoan dung với những người lấy đi giá trị cuộc sống! Họ là những người:
Khoét sâu yếu kém của người khác;
Không những không chia sẻ gánh nặng cho người khác mà còn làm cho chúng nặng nề thêm;
Và, với những người này, "cho" bao giờ cũng khó hơn "nhận".
Họ được gọi là NGƯỜI TRỪ.
c/ Chúng ta hãy nhanh chóng tránh xa người luôn lấy đi giá trị của người khác!
Loại người này sẵn sàng dìm bạn xuống bùn lầy bất cứ khi nào!
Loại người này rất nguy hiểm. Họ không giống người TRỪ. Những hành động tiêu cực của họ luôn có chủ ý. Họ làm tổn thương người khác để nâng cao giá trị của mình. Họ làm người khác trở nên tồi tệ. Họ phá hỏng mọi mối quan hệ và lấy đi mọi giá trị tốt đẹp của côộc sống.
Họ là loại NGƯỜI CHIA!
d./ Chúng ta đánh giá cao người nhân thêm giá trị cuộc sống!
Chỉ cần có ý thức mong muốn giúp đỡ người khác chúng ta đã có thể làm được NGƯỜI CỘNG. Nhưng nếu muốn đạt tới mức cao hơn trong mối quan hệ thì cần chú tâm có phương pháp và có kỹ năng. Và thêm một yếu tố nhỏ nữa là có điều kiện tài chính nhất định. Mong mọi người thành đạt và có điều kiện giúp mọi người thành đạt. Kiểu người này luôn biết cách nâng đỡ người khác, khơi gợi nơi họ những năng lực còn giấu kín trong mình. Họ luôn là những người âm thầm, lặng lẽ để giúp người khác tỏa sáng.
Tâm thành, ý thiện và có điều kiện để tạo cơ hội cho mọi người cùng phát triển, cùng vươn lên đó chính là NGƯỜI NHÂN.
Tri ân của chúng ta có rất nhiều người CỘNG, một vài NGƯỜI NHÂN. Và trong số NGƯỜI NHÂN, có người của 11/9/1954.
Sau 56 năm, và sẽ mãi là như vậy, Người NHÂN này vẫn cứ sống như vậy. Bền vững, bất biến và trường tồn với những giá trị đích thực của cuộc sống: Nhân!
Tri ân cũng luôn sống theo phương cách của NGƯỜI CỘNG và NGƯỜI NHÂN!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Trung thu


Lại sắp đến Trung Thu! Thật sự thì tâm trạng Trung thu đã đến với mình từ 2 tuần trước rồi cơ. Hôm ấy, bài vở, công việc nhiều, lại phải lên lớp liên tục, ngày nào cũng 5 tiết. Mệt quá, nhắn tin định kêu ca với con gái một chút. Nhận được tin trả lời:" Đừng kêu mà oải thêm. Mua cái bánh Trung thu về ăn đi. Hay là mua tạm cái lồng đèn xách chạy vòng vòng cho hết mệt". Cả bánh và lồng đèn đều chưa mua nhưng mà vui quá và bỗng nhiên thấy chẳng còn mệt gì nữa. Quà Trung thu của con gái mình thật vô giá.
Nhớ bao mùa Trung thu đã qua. Những ngày ở Nông trường, những ngày ở trường 10. Và đặc biệt, những mùa Trung thu khi có Lê Huyên, Ều, Lỳ. Hình như năm nào trung thu cũng đúng vào lúc má đang nằm bệnh viện. Cho bọn trẻ phá cỗ, rước lồng đèn xong là mấy mẹ con, dì cháu lại đạp xe mang bánh, mang lồng đèn lên bệnh viện để mấy đứa vui cùng bà ngoại. Và năm nào cũng vậy, ba má chỉ thích ăn bánh dẻo do chị Tuyết làm thôi. Sau này, khi ba má đã mất, tận 7,8 năm sau đó chị Tuyết vẫn làm bánh để gửi thắp hương cho ông bà. Trung thu với mình luôn đầy ắp kỷ niệm và yêu thương.
Rồi suốt 18 năm, luôn là mùa trung thu vui vẻ, tranh nhau cả lồng đèn con con, xinh xắn với Trâm Anh. Trước Trung thu 2,3 tuần, hai mẹ con đã đi dạo khắp nơi để chọn lồng đèn và bánh dẻo đủ các hình thù. Ngắm nghía cho thỏa mắt chứ sau cùng cũng chỉ mua cho 2 anh em 2 chiếc lồng đèn. Nhớ thật đấy!
Giờ không lẽ đi mua 1 cái lồng đèn xách chạy vòng vòng thật na?!